Thực hiện chứng nhận Halal hướng tới thị trường hồi giáo
Thực hiện chứng nhận Halal là chìa khoá mở cửa vào thị trường các quốc gia Hồi giáo và các nước có người Hồi giáo, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm chức năng.
Khi mua hàng, bạn có thường để ý đến các chứng chỉ nhãn hiệu được in trên bao bì sản phẩm không? Thực tế, các kí hiệu này có nhiều ý nghĩa mà có thể chúng ta chưa biết đến.
Hình ảnh một số dấu Halal do các tổ chức được công nhận cấp.
Trước tiên muốn hiểu được ý nghĩa của chứng chỉ này thì chúng ta cần hiểu Halal là gì.
Halal và Haram?
Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc “được phép dùng”, đối lập với Halal là Haram, nghĩa là “trái luật” hoặc “bị cấm”. Halal và Haram là những thuật ngữ phổ biến áp dụng cho tất cả các khía cạnh đời sống, kinh tế xã hội của người Hồi giáo.
Sản phẩm Halal là sản phẩm được xác nhận không có các thành phần Haram và đảm bảo tình trạng Halal trong suốt quá trình sản xuất.
Chứng chỉ Halal là giấy chứng nhận, xác nhận rằng sản phẩm không có các chất cấm theo yêu cầu Kinh Qua’ran, Shari’ah Islamiah (Luật Hồi giáo) và đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất.
Thực phẩm và các sản phẩm Halal có ý nghĩa đặc biệt cho kinh doanh tại các quốc gia Hồi giáo hoặc các nước có công dân theo Đạo hồi. Người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm có logo Halal như là một bằng chứng về đức tin mà Thượng đế cho phép dùng với việc đảm bảo nó không chứa bất cứ thứ gì là Haram. Chứng nhận Halal liên quan đến các quyền lợi của người tiêu dùng vì nó không chỉ bao gồm các yêu cầu về mặt tôn giáo mà còn phải tuân theo các thực hành an toàn vệ sinh nghiêm ngặt. Người theo đạo Hồi chỉ sử dụng những sản phẩm có dấu Halal. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm đạt Halal (Malaysia, Indonesia, Brunei, Ả Rập, AUE và các nước Trung Đông khác…) là một thị trường rất tiềm năng còn đang bị các doanh nghiệp Việt Nam bỏ ngỏ. Vì vậy, sản phẩm có chứng chỉ Halal sẽ tạo cho công ty lợi thế cạnh tranh hơn các công ty khác, chìa khoá mở cửa vào thị trường các quốc gia Hồi giáo và các nước có người Hồi giáo, nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm, mở ra những cơ hội xuất khẩu lớn cho doanh nghiệp.
5 nguyên tắc cơ bản khi đánh giá Halal
- Halal Thinking (Tính trung thực và tự giác): Lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên phải tự giác tuân thủ và thực hành áp dụng (không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà là tín ngưỡng tôn giáo).
- Halal Material (Nguyên liệu Halal): Tất cả nguyên liệu sản xuất phải đảm bảo tình trạng Halal.
- Halal Equipment (Thiết bị Halal): Sự tách biệt rõ ràng về nhà xưởng, thiết bị sản xuất giữa sản phẩm Halal và không Halal.
- Halal Personal (Con người Halal): Không sử dụng công nhân lẫn lộn giữa dây chuyền Halal và Haram.
- Halal Assurance System (Hệ thống đảm bảo Halal-HAS): Duy trì hệ thống quản lý tốt và điều kiện vệ sinh đảm bảo Halal HAS trong toàn bộ nhà xưởng sản xuất và kho.
Yêu cầu cơ bản khi xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn Halal
- Để chứng thực các sản phẩm Halal thì nguyên liệu sản xuất sản phẩm đó phải đạt Halal.
- Hầu hết các nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật, thuỷ hải sản, hóa vô cơ là Halal.
- Không sử dụng nguyên liệu động vật bị cấm (lợn, rắn, chuột, côn trùng) và/ hoặc giết mổ không theo nghi lễ Hồi giáo (zabihah).
- Không sử dụng cồn dưới mọi hình thức để cho trực tiếp vào sản phẩm. Trong quá trình sản xuất có thể dùng cồn để vệ sinh dây chuyền, để làm dung môi trong giai đoạn trung gian nhung phải đảm bảo thành phẩm không chứa cồn.
- Các điều kiện về nhà xưởng và vệ sinh an toàn phải đảm bảo không nhiễm chéo. Với dây chuyền trước đây đã sản xuất sản phẩm liên quan đến chất Haram, bắt buộc phải được tẩy rửa theo nghi thức Hồi giáo (do Imam của VP Halal thực hiện) trước khi tiến hành sản xuất sản phẩm Halal. Mỗi dây chuyền chỉ được phép tẩy rửa duy nhất 1 lần, nếu vi phạm sẽ bị thu hồi chứng chỉ.
- Doanh nghiệp đã được đào tạo và xây dựng áp dụng tiêu chuẩn Halal.
Sơ đồ Quy trình các bước chứng nhận Halal
Tổ chức cấp chứng nhận Halal sẽ cấp giấy chứng nhận Halal và cho phép sử dụng logo Halal cho các sản phẩm đạt Halal. Việc sử dụng dấu Halal phải tuân thủ theo hướng dẫn của tổ chức cấp chứng nhận.
Sự phù hợp trong đánh giá chứng nhận Halal
Văn phòng cấp chứng nhận Halal sẽ đánh giá sự phù hợp việc tuân thủ Halal của công ty thông qua giám sát định kỳ hoặc đột xuất khi có bằng chứng cho thấy Công ty không tuân thủ các yêu cầu Halal. Khi phát hiện trong khoảng thời gian sau khi cấp Giấy chứng nhận Halal bất kỳ thay đổi được thực hiện bởi các nhà sản xuất mà không được chấp thuận trước của Văn phòng cấp chứng nhận Halal sẽ dẫn đến việc đình chỉ hiệu lực chứng chỉ hoặc thu hồi.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, sắp tới Công ty Hồng Bàng sẽ tiến hành xin cấp chứng chỉ Halal cho 1 sản phẩm ở Nhà máy TPCN Hồng Bàng – Chi nhánh Phú Thọ. Quá trình xin cấp chứng chỉ Halal cần nhiều thời gian, nhân sự, tài chính trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu sản phẩm, lựa chọn nguyên liệu, nhân sự, quy trình sản xuất, máy móc, nhà xưởng, vệ sinh… Trong thời gian tới, với sự nỗ lực của các bộ phận, Hồng Bàng sẽ xin cấp được chứng chỉ Halal cho sản phẩm, hứa hẹn mở ra thị trường xuất khẩu lớn trong tương lai cho cả Hệ thống.