Thực phẩm chức năng dạng dung dịch – ưu và nhược điểm
Thực phẩm chức năng dạng dung dịch là những chế phẩm lỏng được điều chế bằng cách hòa tan một hoặc nhiều hoạt chất trong dung môi hoặc hỗn hợp dung môi, có thể dùng để uống hoặc dùng ngoài.
Phân loại các loại thực phẩm chức năng dạng dung dịch
Dung dịch thuốc được chia thành nhiều loại như: dung dịch nước, siro, elixir… Trong đó dung dịch nước và siro là dạng bào chế phổ biến được sử dụng trong thực phẩm chức năng.
Dung dịch nước là dạng bào chế hòa tan một hoặc nhiều hoạt chất hoặc chiết xuất thảo dược trong dung môi là nước. Do thực phẩm chức năng sử dụng đường uống nên trong dung dịch nước thường sử dụng thêm các tá dược tạo ngọt và tạo mùi để tạo mùi vị thơm ngon dễ uống cho sản phẩm. Vì vậy, dạng dung dịch nước thường được sử dụng trong bào chế thực phẩm chức năng dạng dung dịch.
Siro cũng có bản chất tương tự, tuy nhiên siro thường lỏng và sánh hơn dung dịch nước do trong siro chứa một tỷ lệ đường cao khoảng 56-64%, được điều chế bằng cách hòa tan hoạt chất vào siro đơn (dung dịch có hàm lượng đường cao 165g đường/100g nước và chưa có hoạt chất) hoặc hoà tan đường vào dung dịch dược chất.
Ưu và nhược điểm của thực phẩm chức năng dạng dung dịch
Thực phẩm chức năng dạng dung dịch có ưu điểm là hoạt chất đã được hòa tan sẵn trong sản phẩm do đó, hấp thu nhanh hơn so với các dạng thuốc rắn, không gây kích ứng khi tiếp xúc với niêm mạc. Việc sử dụng dạng dung dịch cũng rất thuận tiện, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, người già, người khó nuốt. Mặc dù vậy, thực phẩm chức năng dạng dung dịch thường có độ ổn định kém, do các phản ứng thủy phân, racemic hóa, tạo phức, tương kỵ, sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc xảy ra nhanh và dễ dàng hơn, dẫn đến phân hủy dược chất, phá hỏng sản phẩm.