Nghị định 15 và 4 câu hỏi còn bỏ ngỏ về sản xuất Thực phẩm chức năng
Nghị định 15/2018/NĐ-CP ra đời đã tạo nhiều thay đổi trong quản lý an toàn thực phẩm, thể hiện nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao độ của Chính phủ, của Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ cùng nhiều cơ quan liên quan. Tuy nhiên, với riêng ngành thực phẩm chức năng, vẫn còn quá nhiều khúc mắc mà các doanh nghiệp chưa được xử lý.
Sản xuất TPCN – Nới ít, siết nhiều
Vì sao có nhận định này? Theo nhận định của các doanh nghiệp, Nghị đinh 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã nới lỏng hơn chút ít quy định về công bố và quảng cáo. Thế nhưng, các quy định đối với hoạt động sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe/TPCN lại bị siết chặt hơn nữa.
Cụ thể, điểm a, khoản 1, điều 28 “bất ngờ” yêu cầu cơ sở sản xuất TPBVSK phải thiết lập và duy trì hệ thống quản lý chất lượng để kiểm soát không chỉ quá trình sản xuất mà còn cả quả trình lưu thông phân phối nhằm bảo đảm mọi sản phẩm do cơ sở sản xuất đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố và an toàn với người sử dụng cho đến khi hết hạn. Nhiều nhà sản xuất cho rằng, việc phải có hướng dẫn cho quá trình lưu thông, phân phối là cần thiết. Nhưng việc thiết lập và duy trì hệ thống quản lý chất lượng cho cả khâu này quả là vấn đề… đánh đố. Đấy là chưa kể đến thực tế, thương nhân chịu trách nhiệm trên xác nhận công bố đa phần không phải là nhà sản xuất ra sản phẩm (đơn vị nhận gia công sản phẩm).
Cũng tại khoản 1, điều 28 này, yêu cầu tại điểm b là nhân viên phải “được huấn luyện đào tạo kiến thức cơ bản về GMP, về an toàn thực phẩm và kiến thức chuyên môn có liên quan” cũng sẽ gây khó cho cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Liệu có sự ra đời “giấy phép con” là chứng chỉ “được huấn luyện đào tạo kiến thức cơ bản về GMP, về an toàn thực phẩm và kiến thức chuyên môn có liên quan” thay thế cho chứng chỉ được đào tạo kiến thức về an toàn thực phẩm hiện nay hay không chính là điều mà doanh nghiệp quan tâm.
Một vấn đề khác đáng lưu ý là Nghị định cũng yêu cầu bắt buộc áp dụng Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế từ ngày 1/7/2019. Giấy chứng nhận GMP thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có hiệu lực 3 năm. Nhưng cơ sở muốn xin cấp lại thì bị yêu cầu nộp trước khi hết hạn 6 tháng.
Theo các chuyên gia, quy định yêu cầu nộp trước khi hết hạn là không cần thiết nhưng vẫn bị đưa vào Nghị định. Thay vì yêu cầu này, đáng lẽ chỉ nên quy định là doanh nghiệp không có giấy chứng nhận GMP thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn hiệu lực thì phải ngừng sản xuất!? Tuy nhiên, khi đã được “luật hóa” là phải “nộp trước khi hết hạn 6 tháng” thì doanh nghiệp chỉ còn có lựa chọn là chấp hành.
Nghị định cũng bị đánh giá là bỏ sót thủ tục miễn cấp Giấy chứng nhận GMP thực phẩm bảo vệ sức khỏe với các cơ sở sản xuất có các giấy chứng nhận tương đương hoặc cao hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng “nín thở” chờ hướng dẫn thêm của Bộ Y tế bởi liên quan đến vấn đề này thì hiện mới chỉ có Quyết định số 4288/2016/QĐ-BYT về việc “Ban hành tài liệu hướng Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplements)”.
4 câu hỏi lớn chờ giải đáp
Trong buổi giới thiệu hướng dẫn các điểm mới của Nghị định 15/2018/NĐ-CP do Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm tổ chức cách đây hơn 1 tháng cho các cơ quan ban ngành liên quan thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước cho thấy, có không ít thắc mắc của doanh nghiệp về các điều khoản được quy định trong Nghị định này vẫn chưa được giải đáp cụ thể.
Đơn cử, về Điều 29: Hồ sơ, trình tự, thẩm quyền cấp, cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Không ít doanh nghiệp đặt câu hỏi rằng, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe này có giá trị tương đương với các giấy phép nào trước đây? Giấy chứng nhận này có giá trị pháp lý cho các công ty sản xuất TPCN/TPBVSK như thế nào?
Chưa hết, các doanh nghiệp sản xuất TPCN cùng có chung thắc mắc: Vậy họ có cần thêm Giấy chứng nhận này khi mà họ đã/đang và sẽ luôn tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng sản xuất như GMP, HACCP…? Nếu câu trả lời là có, vậy phải chăng đây vẫn là một dạng “giấy phép con” bắt buộc mà doanh nghiệp sản xuất phải tuân theo.
Tiếp nối câu hỏi trên, các doanh nghiệp sản xuất còn đưa ra 2 câu hỏi nữa đề nghị cơ quan quản lý giải đáp. Đó là:
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe có giá trị như thế nào trong khu vực và quốc tế? Việc cấp giấy chứng nhận có giúp họ dễ dàng hơn khi đưa sản phẩm ra thị trường khu vực và quốc tế?
Và việc cấp giấy chứng nhận này có đáp ứng được các tiêu chuẩn Hòa hợp ASEAN về Thực hành tốt sản xuất không?
Thực tế, 4 câu hỏi về sản xuất này vẫn chưa được cơ quan chức năng giải đáp một cách thỏa đáng. Và các doanh nghiệp thì vẫn còn trông chờ vào các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện tiếp theo.
Nghị đinh 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành ngày 2/2/2018. Nghị định 15/2018/NĐ-CP được đánh giá là đã tạo cuộc “cách mạng” trong quản lý an toàn thực phẩm, thể hiện nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao độ của Chính phủ, của Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ cùng nhiều cơ quan liên quan.
Nguồn: Healthplus.vn